Tiểu sử Triệu Tiệp dư (Hán Vũ Đế)

Triệu Tiệp dư người huyện Vũ Viên (武垣县) thuộc Hà Giang quốc (河间国, nay là huyện Túc Ninh, tỉnh Hà Bắc). Cha của bà vốn bị phạm tội, bị xử cung hình trở thành Hoạn quan, làm "Trung hoàng môn", chết ở Trường An, được táng ở Ung môn[1]. Bà nổi tiếng trong vùng vì nắm tay của bà từ khi lọt lòng cứ luôn nắm chặt.

Hán Vũ Đế thị sát vùng Hà Giang, nghe một quẻ bói nói rằng ở đây Hoàng đế sẽ có đại cát, vì vùng này có kỳ nữ, Hán Vũ Đế lập tức sai người tìm kiếm[2]. Sau đó, Hán Vũ Đế câu chuyện lạ của Triệu thị bèn triệu kiến. Khi gặp Vũ Đế, tay của Triệu thị bỗng nhiên xòe ra được, bên trong tay nắm rõ một cái móc bằng ngọc, từ đó bà có biệt danh Quyền phu nhân (拳夫人)[3]. Quyền phu nhân Triệu thị tiếp tục được phong làm Tiệp dư, cư ngụ tại Câu Dặc cung (鉤弋宮), được gọi là Câu Dặc phu nhân (钩弋夫人), rất được sủng ái (Đại hữu sủng; 大有宠)[4].

Năm Thái Thủy thứ 3 (94 TCN), Triệu Tiệp dư sinh hoàng tử Lưu Phất Lăng (刘弗陵), hiệu [Câu Dặc tử; 钩弋子]. Hoàng tử Lưu Phất Lăng là con trai thứ 6 và là con trai út của Hán Vũ Đế. Tương truyền, Triệu thị mang thai tới 14 tháng, bằng số thời gian mà Đế Nghiêu được mang thai; sử quan biết chuyện tâu lên chúc mừng lên, Hán Vũ Đế tuổi già nghe tin ấy mà mừng vui, hạ chiếu đổi tên cửa của Câu Dặc cung làm Nghiêu Mẫu môn (堯母門)[5].

Năm Chinh Hòa thứ 2 (91 TCN), phát sinh Họa Vu cổ. Lệ Thái tử Lưu Cứ cùng Hoàng hậu Vệ Tử Phu đều bị hạ bệ, ngôi vị Thái tử của Hán Vũ Đế bị để trống[6]. Vào lúc này, những người con trai khác của Hán Vũ Đế bắt đầu có ý ngó đến ngôi vị Thái tử. Khi ấy, ngoại trừ Lệ Thái tử Lưu Cứ, Hán Vũ Đế còn có con trai thứ Tề Hoài vương Lưu Hoành và Xương Ấp vương Lưu Bác đều do sủng thiếp sinh ra, nhưng cả hai đã sớm mất, Yên vương Lưu Đán và Quảng Lăng vương Lưu Tư không được sủng ái, còn con trai của Triệu thị là Lưu Phất Lăng lại rất nhỏ. Trong khoảng năm Chinh Hòa thứ 3 đến thứ 4 (90 TCN đến 89 TCN), Hán Vũ Đế cho rằng Lưu Phất Lăng tuy chỉ mới 6 tuổi, nhưng rất thông minh, dự bị lập làm Thái tử[7].

Năm Hậu Nguyên nguyên niên (88 TCN), Triệu Tiệp dư đột ngột qua đời. Cái chết của Triệu Tiệp dư cho đến nay vẫn là một truyền thuyết nổi tiếng trong lịch sử. Sách Hán thư lại ghi rằng, khi ấy Hán Vũ Đế nghỉ ở Cam Tuyền cung, Triệu Tiệp dư theo hầu làm sai, bị quở trách, Tiệp dư buồn bực mà chết[8].